Bảo hộ bản quyền cho logo của doanh nghiệp đang là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm. Nên đăng ký bảo hộ logo bằng phương thức nào? Căn cứ nào để lựa chọn phương thức cho doanh nghiệp của mình? Sau đây thongtinluat.com sẽ cùng các bạn phân tích đặc điểm của từng phương thức.

Để lựa chọn được phương thức phù hợp cho doanh nghiệp của mình; trước tiên các bạn cần biết được mục đích, phạm vi, điều kiện, thời gian đăng ký….. của từng phương thức.

Theo luật sở hữu trí tuệ, bạn có thể đăng ký bảo hộ logo bằng việc hai phương thức: đăng ký quyền sở hữu công nghiệp (cụ thể là bảo hộ nhãn hiệu) ;và quyền tác giả dưới hình thức bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng (“sau đây gọi tắt là tác phẩm”).

Bảo hộ bản quyền cho logo qua phương thức bảo hộ nhãn hiệu

Mục đích

Nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ giữa các chủ thể vì thế nên việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu giúp bảo vệ quyền của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh để tránh nhầm lẫn (Khoản 16 Điều 4 Luật SHTT)

Căn cứ phát sinh

Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Khoản 3a Điều 6 Luật SHTT).

Phạm vi bảo hộ

Đăng ký nhãn hiệu sẽ được bảo hộ cả về mặt ngữ nghĩa, cách trình bày, màu sắc… Đây là biện pháp bảo hộ rất mạnh vì nếu như có người khác sử dụng logo tương tự sẽ bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, nhãn hiệu chỉ được bảo hộ trong phạm vi sản phẩm, dịch vụ đã đăng ký. Nếu người khác sử dụng logo đó cho sản phẩm, dịch vụ khác sẽ không bị coi là vi phạm.

Điều điện để được bảo hộ

Nhãn hiệu chỉ được bảo hộ khi chủ sở hữu tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ theo nguyên tắc thuộc về người nộp đơn đầu tiên (trừ một số trường hợp đặc biệt như nhãn hiệu nổi tiếng…).

Nơi đăng ký và thời gian đăng ký

Đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ trong thời gian 12 tháng (thực tế có thể kéo dài tới 2 – 3 năm).

Thời gian bảo hộ

10 năm, được gia hạn nhiều lần nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm (Khoản 6 Điều 93 Luật SHTT).

Các hành vi xâm phạm

Sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc gây nhầm lẫn, cạnh tranh không lành mạnh… (Điều 129, 130 Luật SHTT).

Quyền của doanh nghiệp sở hữu logo được bảo hộ

Doanh nghiệp có quyền bảo vệ nhãn hiệu của mình bằng việc “ngăn cấm người khác sử dụng, sử dụng trùng hoặc gây nhẫm lần” (Điều 125, 129 Luật SHTT).

Bảo hộ bản quyền cho logo qua phương thức bảo hộ quyền tác giá

Mục đích

Bảo hộ quyền tác giả cho phép chủ sở hữu độc quyền trong việc khai thác, sử dụng tác phẩm trong một thời hạn xác định và ngăn cấm các chủ thể khác sao chép, sử dụng trái phép tác phẩm nhằm bù đắp chi phí và khuyến khích các hoạt động sáng tạo.

Căn cứ phát sinh

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký (Khoản 1 Điều 6 Luật SHTT).

Phạm vi bảo hộ

Đăng ký quyền tác giả sẽ được bảo hộ trong tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên mức độ bảo hộ cho bản quyền yếu hơn so với bảo hộ nhãn hiệu vì chỉ khi có người sử dụng logo giống hệt hoặc giống đến mức tối đa, người đó mới bị xem là vi phạm bản quyền.

Điều điện để được bảo hộ

Tác phẩm được bảo hộ khi đáp ứng được các điều kiện bảo hộ mà không cần phải tiến hành đăng ký, tức ngay từ khi sinh ra, quyền bảo hộ tác giả cho tác phẩm đã được hình thành (áp dụng cho tác phẩm sáng tạo độc lập, không sao chép) (Điều 49 Luật SHTT).

Nơi đăng ký và thời gian đăng ký

Đăng ký tại Cục Bản quyền Tác giả trong thời gian 15 ngày làm việc.

Thời gian bảo hộ

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình(Khoản 2a điều 27 Luật SHTT).

Các hành vi xâm phạm

Mọi hành vi mạo danh, sao chép, sửa chữa, cắt xén… đều được xem là hành vi xâm phạm đến tác phẩm được bảo hộ (Điều 28 Luật SHTT).

Quyền của doanh nghiệp sở hữu logo được bảo hộ

Một tác phẩm được sáng tạo ra bao gồm quyền nhân thân của tác giả và quyền tài sản. Doanh nghiệp chỉ có quyền tài sản dưới với tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả, có quyền xử lý khi xảy ra hành vi sao chép tác phẩm (Điều 19, 20 Luật SHTT).

Kết luận

Theo quan điểm của bài viết:

Trong điều kiện tài chính cho phép, doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ cả hai phương thức trên để bảo vệ tối đa quyền sở hữu trí tuệ của mình đối với logo. Chi phí cho việc đăng ký này khá rẻ.

Nên nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả trước vì thời gian được cấp ngắn hơn. Trong lúc chờ đợi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp bạn cũng sẽ yên tâm phần nào về quyền của mình.

Nếu phải lựa chọn 1 trong 2, các bạn nên đăng ký bảo hộ logo bằng phương thức bảo hộ nhãn hiệu để bảo vệ tối ưu quyền lợi của mình. Tuy thời gian được cấp bằng bảo hộ khá lâu, nhưng đặc quyền của bạn sẽ được nhiều hơn.

Doanh nghiệp có thể khiếu nại, khởi kiện khi đối phương có dấu hiệu vi phạm tương tự đến mức gây nhầm lẫn logo của mình.