Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người phụ thuộc gồm những đối tượng sau:
Nhóm 1: Con gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng
– Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).
– Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
– Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.
Nhóm 2: Vợ hoặc chồng
– Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
+ Bị khuyết tật, không có khả năng lao động
+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.
– Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.
Nhóm 3: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp
– Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
+ Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.
– Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.
Nhóm 4: Cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Cá nhân khác gồm:
– Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.
– Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.
– Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: Con của anh ruột, chị ruột, em ruột.
– Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
Điều kiện được giảm trừ:
– Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
+ Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.
– Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.
Lưu ý:
– Có rất nhiều độc giả nhầm lẫn về đối tượng được đăng ký người phụ thuộc. Việc đánh giá người thân của bạn trong độ tuổi lao động có được đăng ký hay không dựa trên hai yếu tố chính là khả năng lao động và thu nhập. Hai điều kiện này phải được đáp ứng đồng thời, cùng lúc. Giả sử ba mẹ bạn làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định (dưới 1 triệu/tháng) nhưng đang trong độ tuổi lao động và không bị bất kì khuyết tật gì thì cũng không được đăng ký người phụ thuộc (do không đáp ứng điều kiện đầu tiên).
– Tại nhóm 4 nêu trên, người không nơi nương tựa được hiểu là người sống cô đơn không nơi nương tựa là người sống độc thân, không có hoặc không còn thân nhân (khoản 5, Điều 4, Nghị định 31/2013/NĐ-CP). Giả sử bạn nuôi em nhỏ còn đang đi học trong khi ba mẹ bạn vẫn còn sống thì em bạn không được xem là đối tượng phụ thuộc, bạn sẽ không được miễn giảm trong trường hợp này.
– Mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/ tháng. Một người có thể đăng ký nhiều người phụ thuộc.