Một điều các bạn cần nhớ đó việc đăng ký nhãn hiệu không phải lúc nào cũng thành công. Chỉ những nhãn hiệu đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 mới được pháp luật bảo hộ, cụ thể cần đáp ứng 2 điều kiện:
2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Để tránh mất thời gian, chi phí và nhân lực; trước khi tiến hành đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu cần xem xét khả năng được bảo hộ của nhãn hiệu qua 02 vấn đề chính sau:
Nhãn hiệu có khả năng phân biệt không?
Các trường hợp nhãn hiệu không có khả năng phân biệt được quy định chi tiết tại Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 39 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
Sau đây, chúng tôi chỉ phân tích các trường hợp nhãn hiệu không có khả năng phân biệt thường gặp trên thực tế.
Chủ sở hữu nhãn hiệu thường đặt tên nhãn hiệu bằng tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ hoặc sử dụng các dấu hiệu, từ ngữ mang tính mô tả như diễn đạt phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị,… Các tên nhãn hiệu như vậy được xem là không có khả năng phân biệt và không đủ điều kiện để được bảo hộ (trừ trường hợp tên nhãn hiệu sử dụng trong một thời gian dài, rộng rãi và đã đạt được khả năng phân biệt với người tiêu dùng trước khi nộp đơn đăng ký).
Ví dụ: nhãn hiệu “COTTON” (mô tả thành phần) cho lĩnh vực may mặc hoặc nhãn hiệu “SỮA TƯƠI NGUYÊN CHẤT” (mô tả tính chất, thành phần) cho lĩnh vực sữa sẽ không đủ điều kiện để được bảo hộ, bởi lẽ, nếu các nhãn hiệu này được bảo hộ riêng cho một chủ thể, đồng nghĩa với việc chủ thể này có quyền loại trừ khả năng sử dụng từ “COTTON”, “SỮA TƯƠI NGUYÊN CHẤT” của chủ thể khác trong các lĩnh vực trên. Điều này là hoàn toàn không hợp lý và gây mất công bằng trong việc cạnh tranh giữa các chủ thể.
Chính vì các phân tích trên, để nhãn hiệu có khả năng bảo hộ cao, chủ sở hữu nên cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn nhãn hiệu. Nếu vẫn muốn sử dụng các dấu hiệu mô tả trong nhãn hiệu, chủ sở hữu có thể kết hợp dấu hiệu mô tả với các dấu hiệu khác (hình ảnh, hình vẽ…) để tạo khả năng phân biệt và chấp nhận bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng dấu hiệu mô tả.
Một số gợi ý cho chủ sở hữu khi sáng tạo nhãn hiệu:
- Nhãn hiệu tự đặt: là dấu hiệu tự nghĩ ra mang tính sáng tạo, không có ý nghĩa gì cả và chưa từng xuất hiện trong các từ điển. Ví dụ: “KODAK” cho phim chụp ảnh;…
- Nhãn hiệu tùy ý: là dấu hiệu có nghĩa trong từ điển, tuy nhiên không mang ý nghĩa nào liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà nhãn hiệu gắn vào. Ví dụ: “TAM THÁI TỬ” cho nước tương;
- Nhãn hiệu liên tưởng: là dấu hiệu gợi cho người tiêu dùng liên tưởng đến hàng hóa, dịch vụ mà nhãn hiệu gắn vào. Ví dụ: “PANADOL” cho sản phẩm dược phẩm có thành phần hoạt chất là Paracetamol
Nhãn hiệu có bị trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc nộp đơn đăng ký trước đó không?
Đã có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp không xem xét đến việc nhãn hiệu có bị trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc công bố đơn trước đó (sau đây gọi là nhãn hiệu đối chứng) hay không, vì vậy đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ với lý do này là khá phổ biến, đồng thời doanh nghiệp có thể xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể khác.
Sau khi đã chọn nhãn hiệu để đăng ký, chủ sở hữu cần tiến hành tra cứu sơ bộ các nhãn hiệu đối chứng bằng cách truy cập trang web của Cục sở hữu trí tuệ và điền thông tin tìm kiếm như hướng dẫn của trang web.
Hoặc mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã có thông báo về việc tra cứu nhãn hiệu trên công cụ mới – WIPO Publish (công cụ do WIPO – Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới cung cấp miễn phí và hỗ trợ triển khai).
Kết luận: Việc đăng ký nhãn hiệu mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi người thực hiện cần có kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Việc được chấp thuận hay không đôi khi phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người phê duyệt. Vì vậy, các công ty, văn phòng luật luôn sẵn sàng cung ứng các dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, sáng chế,….). Doanh nghiệp có thể lựa chọn đơn vị uy tín, có giá cả phù hợp để được tư vấn, ủy quyền thực hiện. Đảm bảo cao nhất khả năng được bảo hộ nhãn hiệu của mình.