Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp tên miền bị sao chép, mô phỏng bởi các tổ chức, cá nhân có ý đồ xấu muốn trục lợi. Vậy tên miền có được đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không? Khi bị xâm phạm tên miền, chúng ta cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình? Khi bị tổ chức, cá nhân nước ngoài xâm phạm thì nên ứng xử như thế nào? Sau đây, thongtinluat.com xin gửi đến các bạn các chia sẻ cho những câu hỏi trên.
Tên miền là gì? Tên miền có thuộc đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ không?
Định nghĩa
Hiểu một cách đơn giản, nếu trang web của bạn là một ngôi nhà thì tên miền sẽ là địa chỉ của ngôi nhà đó.
Tên miền này thường được gắn với tên doanh nghiệp, tên sản phẩm, tên cá nhân, thậm chí là những tên độc lạ để dễ nhớ, kích thích sự tò mò, nhằm định vị thương hiệu với đối tác, khách hàng. Chính vì điều này, rất nhiều trường hợp tên miền bị người khác xâm phạm.
Có rất nhiều loại tên miền với những phần mở rộng khác nhau như .vn, .org, .net, .info, .io,….
Thongtinluat.com là ví dụ điển hình về một tên miền đã được đăng ký.
Tên miền có được đăng ký và bảo hộ hay không?
Theo luật sở hữu trí tuệ (“SHTT”) Việt Nam, tên miền không thuộc đối tượng đăng ký và được pháp luật về SHTT bảo hộ. Luật SHTT chỉ quy định về “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh” đối với tên miền tại điểm d Khoản 1 Điều 130. Cụ thể:
“Điều 130. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh
1. Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.”
Theo quy định này, bạn chỉ có thể khiếu nại, khởi kiện sau khi phát hiện ra hành vi xâm phạm của đối phương mà không thể phòng bị, phản đối trước đó (trong quá trình họ xin cấp).
Ngoài ra, quy định trên chỉ áp dụng cho tranh chấp tên miền .vn.
Nếu tên miền, đối tượng đăng ký tên miền ở nước ngoài thì sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.
Thongtinluat.cn, Thongtinluat.com.cn, Thongtinluat.net.cn, Thongtinluat.org.cn (tên miền của Trung Quốc), bạn không thể áp dụng luật Việt Nam để xử lý.
Có thể đăng ký tên miền tương tự với tên miền đã được đăng ký hay không?
Theo thông lệ Việt Nam và quốc tế, tổ chức, cá nhân được phép đăng ký tên miền theo nguyên tắc theo “first come, first served”, tức ai đăng ký trước thì người đó được sở hữu.
Việc xác định tên miền tương tự, gây nhầm lẫn không hề dễ dàng vì tên miền phân biệt nhau nhờ vào đuôi đi kèm như org, .net, .info, .com.
Chỉ khi tên miền đăng ký mới trùng hoàn toàn 100%, với tên miền đã đăng ký thì tên miền đăng ký đó mới bị từ chối.
Ví dụ bạn đã đăng ký: Thongtinluat.com, nhưng người khác vẫn có thể đăng ký Thongtinluat.info, Thongtinluat.org. Vì vậy cần lưu ý các vấn đề sau:
- Nếu bạn chưa đăng ký tên miền trước đó, thì tổ chức cá nhân khác hoàn toàn có quyền lấy thương hiệu của bạn đăng ký tên miền. Nếu bạn đang sở hữu một thương hiệu nổi tiếng, điều này là vô cùng đáng tiếc vì bạn có thể mất một lượng lớn khách hàng. Vì vậy, cần nhanh tay thực hiện việc đăng ký trước khi quá muộn.
- Nếu bạn đã đăng ký tên miền kể từ khi bắt đầu xây dựng thương hiệu, bạn cũng đừng nên chủ quan mà cần tính toán cho tương lai khi thương hiệu mình trở nên lớn mạnh: Nếu muốn bảo vệ tuyệt đối thương hiệu của mình, tránh việc đối thủ đặt các tên miền tương tự gây nhầm lẫn, bạn cần xác định phạm vi kinh doanh hiện tại và tương lai (thị trường, quốc gia hướng đến), từ đó đón đầu bằng cách đăng ký bao trùm nhiều tên miền quốc tế tương tự khác nhau. Việc này sẽ tiết kiệm chi phí hơn là bạn đăng ký đại trà ở vô số nước khác nhau, với hàng chục, hàng trăm tên miền.
Khi có tranh chấp về tên miền phải xử lý như thế nào?
Đối với tên miền .vn: Các bên tranh chấp có thể lựa chọn một trong 3 phương thức giải quyết tranh chấp: hoà giải, trọng tài hoặc khởi kiện tại toà án. Hiện nay Việt Nam đã ban hành chính thức một cơ chế rõ ràng và đầy đủ về việc giải quyết tranh chấp tên miền .vn và tên miền quốc tế mà tổ chức quốc tế phân bổ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam (Thông tư 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 quy định về việc giải quyết tranh chấp tên miền .vn)
Các tranh chấp hiện nay hầu hết được giải quyết thông qua thủ tục tố tụng dân sự. việc giải quyết các tranh chấp về tên miền theo thủ tục hành chính thông qua việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Sở hữu Trí tuệ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Đối với các tên miền khác: Hiện nay Tổ chức quản lý Tên miền và Số hiệu mạng thế giới (ICANN), phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã ban hành “Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất” (Uniform Domain-name Dispute-Resolution Policy) – UDRP, chi tiết tại link http://www.icann.org/udrp/udrp.htm.
Theo chính sách trên; có 2 cách giải quyết khi có căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân xâm phạm tên miền là: hoà giải và trọng tài.
Yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm tên miền được nộp cho 1 trong 4 tổ chức được chỉ định sau:
+ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)
+ Diễn đàn trọng tài quốc gia (NAF)
+ Công ty CPR
+ Công ty eResolution