Cách tính bảo hiểm thất nghiệp được chia sẻ trong bài viết này có mục đích giúp người lao động nắm rõ được lợi ích của mình. Góp phần hỗ trợ trong việc học, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi việc làm.
Cách tính bảo hiểm thất nghiệp – Xác định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định của pháp luật tại Khoản 1 Điều 50, Luật Việc làm 2013:
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Mức trợ cấp thất nghiệp = 60% x Bình quân tiền lương 06 tháng gần nhất
Như vậy, có 2 yếu tố ảnh hưởng đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là: tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng gần nhất và mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng.
Trường hợp nhận theo mức lương cơ sở
Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa theo mức lương cơ sở = 05 x Mức lương cơ sở
Hiện tại, mức lương cơ sở ở 2021 là 1.49 triệu đồng/ tháng. Như vậy, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động ở trường hợp này là 1.49 x 05 = 7.45 triệu đồng/ tháng.
Ví dụ: Anh A là công chức loại A3, nhóm 1 bậc 3 trong vòng 8 tháng qua. Mức lương bình quân của anh A trong 6 tháng gần nhất là 10.311 triệu đồng/ tháng.
Mức trợ cấp thất nghiệp của anh A = 60% x 10.311 = 6.1866 triệu đồng/ tháng.
Trường hợp nhận theo mức lương tối thiểu vùng
Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa theo mức lương tối thiểu vùng = 05 x Mức lương tối thiểu vùng
Mức lương tối thiểu vùng (triệu đồng/ tháng) | Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa | |
Vùng I | 4.42 | 22.1 |
Vùng II | 3.92 | 19.6 |
Vùng III | 3.42 | 17.15 |
Vùng IV | 3.07 | 15.35 |
Ví dụ: Anh B, làm việc tại thành phố Hồ Chí Mình (thuộc vùng I) là nhân viên văn phòng tại công ty X. Mức lương bình quân của anh A trong 6 tháng gần nhất là 40 triệu đồng/ tháng.
Mức trợ cấp thất nghiệp của anh B = 60% x 40 = 24 triệu đồng/ tháng.
Tuy vậy, mức trợ cấp thất nghiệp của anh A đã vượt quá mức trợ cấp thất nghiệp tối đa, nên anh B sẽ nhận hưởng trợ cấp thất nghiệp là 22.1 triệu đồng/ tháng.
Cách tính bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định của pháp luật tại Khoản 1, khoản 3 Điều 50, Luật Việc làm 2013
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Ví dụ, người lao động đóng bảo hiểm trong vòng 15 tháng sẽ có 03 tháng nhận trợ cấp thất nghiệp. 03 tháng còn dư lại sẽ được cộng vào kỳ đóng bảo hiểm tiếp theo.
Cách tính bảo hiểm thất nghiệp – Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định của pháp luật tại Khoản 1, khoản 3 Điều 50, Luật Việc làm 2013
3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
Xem thêm: Thủ tục và quy trình làm hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
Ví dụ tổng hợp
Anh C là nhân viên làm việc tại thành phố Hà Nội cho công ty Y trong vòng 40 tháng; với mức lương 06 tháng gần nhất là 30 triệu đồng/ tháng. Do điều kiện sức khoẻ, anh xin nghỉ việc. Như vậy, với cách tính bảo hiểm thất nghiệm ở trên:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của anh C = 60% x 30 = 18 triệu đồng/ tháng.
Vì đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 40 tháng; anh C sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp với mức là 18 triệu đồng/ tháng trong vòng 03 tháng (thấp hơn mức tối đa đối với người lao động hưởng chế độ lương theo mức lương tối thiểu vùng).
Sau 3 tháng nghỉ ngơi, anh C xin được việc làm tại công ty Z; và làm việc tại đây trong vòng 08 tháng với mức lương 40 triệu đồng. Sau đó anh nghỉ việc với lý do sức khoẻ. Như vậy, kỳ đóng bảo hiểm thất nghiệp của anh C ở lần này là 12 tháng ( 08 tháng làm việc + 04 tháng làm việc ở kỳ đóng bảo hiểm trước). Anh C sẽ được nhận 03 tháng trợ cấp thất nghiệp với mức tối đa là 22.1 triệu đồng/ tháng. Do mức trợ cấp thất nghiệp của anh C (60% x 40 = 24 triệu đồng/ tháng) đã vượt quá mức trợ cấp thất nghiệp tối đa.
Trên đây là cách tính bảo hiểm thất nghiệp được Thông tin Luật tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp đỡ được các bạn trong công việc cũng như đời sống; giúp đảm bảo được lợi ích hợp pháp của mình.