Nếu bạn là NLĐ mới làm việc tại doanh nghiệp đang có nhu cầu được nghỉ phép, hoặc chuẩn bị nghỉ việc và muốn được thanh toán phép năm thì ngày phép năm sẽ được tính như thế nào? Sau đây thongtinluat.com sẽ hướng dẫn các bạn cách tính mới nhất theo quy định tại Bộ luật lao động 2019.
1.Số ngày phép năm nếu làm đủ 12 tháng/ năm
– Theo khoản 1 Điều 113 BLLĐ 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động, cụ thể:
+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
+ 14 ngày làm việc đối với NLĐ chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Số ngày phép năm nếu làm CHƯA ĐỦ 12 tháng/ năm
Theo Khoản 2 Điều 113 BLLĐ 2019
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Điều 66 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết cách tính như sau:
– Lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm.
– Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.
Để tính được ngày phép năm, các bạn phải xác định được 03 yếu tố là: Số ngày phép năm nếu làm đủ 12 tháng, số ngày phép năm thâm niên và số tháng làm việc thực tế. Thongtinluat.com xin đưa ra ví dụ minh họa để các bạn hiểu rõ hơn về cách tính này:
Giả sử X làm trong việc trong điều kiện bình thường. Số ngày nghỉ hàng năm nếu X làm đủ 12 tháng là 12 ngày phép.
Thâm niên: 0 tháng
Thời gian làm việc thực tế của X từ 01/03/2021 đến 31/12/2021 là 10 tháng.
Ta có: Phép năm của X= (12+0)/12*10 = 10 ngày.
Giả sử A là lao động làm việc trong điều kiện bình thường, số ngày nghỉ phép năm của A nếu làm đủ 12 tháng là 12 ngày.
Thâm niên: Theo quy định tại điều 114 BLLĐ 2019 “Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày”. A làm việc từ 01/02/2016 đến 01/02/2021 là đủ 5 năm nên A được cộng thêm 1 ngày phép.
Thời gian làm việc thực tế của A từ 01/02/2016 đến 10/08/2021: Vì tháng 8 A mới chỉ làm việc được 10 ngày, chiếm tỷ lệ dưới 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng nên tháng 8 sẽ không được tính là tháng làm việc được hưởng ngày nghỉ hằng năm. Như vậy, thời gian làm việc thực tế của A là 06 tháng (tháng 2,3,4,5,6,7).
Ta có: Phép năm của A = (12+1)/12*6 = 6.5 ngày
– Nếu người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, sau khi nghỉ việc, điều chuyển đến vị trí công tác mới cũng thuộc cơ quan, tổ chức nhà nước thì thâm niên để tính phép năm sẽ được cộng dồn tiếp tục (tức tính trên tổng thời gian làm việc của NLĐ tại tất cả các cơ quan, tổ chức nhà nước họ từng làm). Đây cũng là điểm mới được quy định tại khoản 3 điều 66 nghị định 145/2020.