Điểm mới của Bộ luật Lao Động 2019 – phần 2 tập trung vào việc giới thiệu đến các bạn những quy định mới về giao kết hợp đồng.
Điểm mới của Bộ luật Lao Động 2019 – Ghi nhận hình thức giao kết bằng hợp đồng lao động điện tử
Điều khoản quy định
Trước sự phát triển vượt bậc của nền khoa học công nghệ, nhằm hội nhập cuộc cách mạng 4.0 trên toàn cầu, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp và người lao động, BLLĐ 2019 đã có sự tiến bộ trong việc công nhận hình thức giao kết thợp đồng thông qua “phương tiện điện tử”. Điều này được thể hiện tại khoản 1 điều 14 BLLĐ 2019:
“Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản”.
Theo khoản 10, 12 điều 4 luật giao dịch điện tử số 51/2005 định nghĩa thêm về các thuật ngữ như sau:
“Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.
Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”.
Như vậy, với quy định trên, việc xác lập quan hệ lao động giờ đây giữa các bên trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Khoảng cách về địa lý, chênh lệch múi giờ đã không còn là trở ngại. Trên hết, ngoài việc có giá trị như hợp đồng lao đồng bằng văn bản, hợp đồng điện tử còn thể hiện sự ưu thế hơn trong việc theo dõi, lưu trữ, cập nhật, trích xuất thông tin, dữ liệu. Dự đoán trong tương lai gần, hợp đồng điện tử sẽ trở thành hình thức hợp đồng phổ biến nhất khi thực hiện giao kết HĐLĐ.
Lưu ý trong việc áp dụng
Dù có nhiều lợi thế nhất định so với hợp đồng văn bản truyền thông, hợp đồng lao động điện tử vẫn có thể khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc áp dụng do trở ngại về công nghệ và chi phí. Bởi lẽ, dù được tự do trong phương thức giao kết nhưng hợp đồng lao động điện tử vẫn bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Chính vì vậy, đòi hỏi người sử dụng lao động cần nghiên cứu kĩ các quy chuẩn về thông điệp dữ liệu (cách khởi tạo, gửi, nhận….), tạo ra biểu mẫu, cách thức thống nhất để hợp đồng lao động có giá trị pháp lý.
Việc này có thể tốn thêm chi phí trong việc thuê đội ngũ chuyên môn về công nghệ và pháp luật tham gia bước đầu. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần cân nhắc để có sự lựa chọn đúng đắn và chính xác cho mình.
Sửa đổi nội dung liên quan đến việc giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói
Trên thực tế, đối với các công việc không mang tính chất thường xuyên, liên tục, thù lao thấp, việc giao kết hợp đồng bằng lời nói diễn ra rất phổ biến bởi sự đơn giản, nhanh gọn, ít mang tính ràng buộc. Các bên có thể tự do thỏa thuận, sửa đổi thỏa thuận bất kì lúc nào.
Chính vì vậy, BLLĐ 2012 cho phép người sử dụng lao động và người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với công việc tạm thời dưới 03 tháng (thường là lao động thời vụ). Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng kẽ hở trên nhằm trốn tránh việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm. Do đó, BLLĐ 2019 đã sửa đổi, siết chặt quy định bằng việc thu hẹp thời gian và đối tượng giao kết, chỉ cho phép giao kết hợp đồng lao đồng bằng lời nói đối với hợp đồng xác định thời hạn dưới 01 tháng.
Điều khoản quy định
Cụ thể tại khoản 2 điều 14 BLLĐ 2019 quy định:
“Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.
Như vậy, có 03 trường hợp đặc biệt không được phép giao kết hợp đồng lao đồng bằng lời nói, bắt buộc phải giao kết bằng văn bản dù thời hạn dưới 1 tháng mà người sử dụng lao động cần lưu ý:
- Người được ủy quyền của nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi, giao kết hợp đồng có tính chất mùa vụ hoặc có thời hạn dưới 12 tháng.
- Giao kết hợp đồng lao động với người dưới 15 tuổi
- Người giúp việc gia đình.
Có thể thấy, trên đây là những đối tượng khá phổ biến trong xã hội. Tuy nhiên, do tính chất công việc lao động giản đơn, dễ bị thay thế cùng với nhận thức chưa đầy đủ và toàn diện về quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Kết quả là, các đối tượng trên thường rất yếu thế khi giao kết hợp đồng lao động. Chính vì vậy, quy định mới của BLLĐ 2019 là sự tiến bộ trong việc bảo vệ các đối tượng dễ bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp trên.
Giao kết hợp đồng là một trong số những vấn đề nổi bật, hữu ích của Bộ luật Lao Động 2019. Mời các bạn xem tiếp phần 3 để cập nhật thêm các điểm mới của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong quan hệ lao động.