Trên thực tế, khi thực hiện công tác đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng; có rất nhiều bạn nhân sự hiểu sai quy định của pháp luật. Họ làm theo thói quen hay chỉ đơn giản là theo chỉ dẫn người đi trước truyền lại. Thói quen này gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động; doanh nghiệp cũng có nguy cơ bị xử phạt nếu bị thanh tra bảo hiểm.

Khi nào không đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng cho người lao động?
Hiểu đúng về việc không đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng cho người lao động

Sau đây Thongtinluat.com chia sẻ đến các bạn quan điểm về vấn đề này.

1. Quy định của pháp luật

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH)”.

2. Cách đóng bảo hiểm xã hội đúng

Quy định này hiểu đúng như sau: Nếu trong một tháng mà người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày trở lên; thì công ty sẽ phải tiến hành thủ tục báo giảm BHXH của người đó. Tức cả người lao động và công ty đều không đóng BHXH trong thời gian này. Nếu tháng sau người lao động làm việc lại bình thường thì công ty lại tiến hành thủ tục báo tăng lao động và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

3. Quan điểm nhầm lẫn phổ biến

Cách hiểu sai thường gặp: Người lao động làm không đủ 14 ngày công thì báo giảm BHXH tháng đó. Theo cách hiểu này, nhân sự thường chỉ tính số ngày đi làm của người lao động thay vì tính ngày không làm việc và không hưởng lương theo quy định pháp luật; nếu từ 14 ngày công thì tham gia BHXH, không đủ thì báo giảm BHXH; không quan tâm tháng đó có 30 hay 31 ngày; tương ứng với bao nhiêu ngày công.

Cách tính trên đúng với đa số trường hợp, đặc biệt đối với tháng có 27 ngày công/tháng (thường rơi vào tháng có 31 ngày) nên khiến nhiều nhân sự chủ quan, cho rằng việc áp dụng cách này sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn. Tuy nhiên cách tính trên sai về bản chất và sẽ sai trong trường hợp NLĐ có từ 12/25 hoặc 13/26 (ngày công/tháng).

4. Ví dụ thực tế về bảo hiểm xã hội

Để hiểu rõ sự khác nhau giữa hai cách tính, các bạn có thể tra bảng ví dụ sau.

Giả sử doanh nghiệp X làm thứ 2 đến thứ 7, tức mỗi tháng sẽ dao động từ 25, 26 đến 27 ngày công.

Số ngày công trong tháng Ngày làm việc thực tế Số ngày không làm việc, không hưởng lương Cách hiểu sai Cách hiểu đúng
25 12 13 Không tham gia BHXH Phải tham gia BHXH
26 13 13 Không tham gia BHXH Phải tham gia BHXH
27

(đúng với trường hợp này)

14 13 Tham gia BHXH Tham gia BHXH

Như vậy, theo cách hiểu sai, những người lao động có 12/25 hoặc 13/26 (ngày công/tháng) sẽ bị mất quyền lợi chính đáng mà lẽ ra họ được hưởng khi không được Công ty tham gia BHXH. Trong một số trường hợp nhân sự còn báo giảm luôn BHYT, khiến NLĐ phải tự chi trả các chi phí y tế phát sinh trong thời điểm này. Nếu nhìn xa, việc khai báo sai còn ảnh hưởng đến thời gian hưởng lương hưu, bảo hiểm thất nghiệp…. sau này, vô cùng thiệt thòi cho NLĐ.

Kết luận: Để xác định có phải tham gia BHXH cho người lao động trong tháng đó hay không cần xem bảng công, tính số ngày không làm việc và không hưởng lương của người lao động, tuyệt đối không dựa trên số ngày công thực tế.

Lưu ý: Nghỉ phép năm được tính là nghỉ việc có hưởng lương, không được tính vào ngày làm việc không hưởng lương cho NLĐ.

VD: Tháng có 26 ngày công, NLĐ làm việc thực tế 12 ngày, nghỉ phép năm 1 ngày, nghỉ việc không lương 13 ngày => Tổng số ngày không làm việc, không hưởng lương là 13 ngày => Phải tham gia BHXH cho NLĐ. Rất nhiều doanh nghiệp đã tính tổng số ngày không làm việc là 14 ngày và không tham gia BHXH cho NLĐ, cần sửa đổi kịp thời để phù hợp với quy định pháp luật.

Hiện nay, việc tra cứu quá trình đóng BHXH vô cùng dễ dàng thông qua tin nhắn điện thoại, app, trang web, người lao động cần chủ động theo sát, nắm bắt kỹ vấn đề này để đảm bảo quyền lợi của mình. Nhân sự cần cập nhật và hiểu đúng các quy định của pháp luật để tránh rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp.