Mua bán hóa đơn có hợp pháp không? Việc này tiềm ẩn những rủi ro gì? Doanh nghiệp chịu những hậu quả nào về tài chính và pháp lý khi thực hiện mua bán hóa đơn?
Mua bán hóa đơn có hợp pháp không?
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể rơi vào một trong hai tình huống sau:
Sử dụng hóa đơn chứng từ không hợp pháp
Là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng theo Điều 22 TT 39/2014.
Sử dụng không hợp pháp hóa đơn chứng từ:
Là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác theo Điều 23 TT 39/2014.
Từ định nghĩa trên có thể thấy, hành vi mua bán hóa đơn chính là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn chứng từ.
Rủi ro và hậu quả của việc mua bán hóa đơn, đặc biệt là hóa đơn ma
Rủi ro
Xét từ góc độ kiểm soát
Việc mua bán hóa đơn chứa rất nhiều rủi ro. Vốn dĩ hành vi mua bán hóa đơn không được pháp luật cho phép và thừa nhận; dẫn đến không có bất kì chế tài nào ràng buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ. Nếu bên bán cố tình phá vỡ cam kết, bên mua cũng không có cơ sở khởi kiện đòi lại quyền lợi của mình.
Bên mua rất khó kiểm soát các hóa đơn này, có nguy cơ mất cả chì lẫn chài, tốn chi phí mua hóa đơn nhưng không được hoàn thuế GTGT, không được hạch toán vào chi phí nếu:
– Bên bán khống hóa đơn ngưng hoạt động, bỏ trốn, bị kiểm tra, bị bắt, bị phạt trước lúc Công ty thực hiện quyết toán thuế.
– Bên bán cố tình hủy hóa đơn mà không thông báo cho bên mua biết, điều này đặc biệt phổ biến với hóa đơn điện tử vì quy trình hủy bỏ hóa đơn không cần hai bên ký xác nhận.
– Người bán hóa đơn trao cho người mua hóa đơn liên 2 theo thông lệ, nhưng giá trị giữa các liên hóa đơn khác nhau. Ví dụ: Hóa đơn giao cho bên mua ghi 1 tỷ, nhưng liên 1 và liên 3 của bên bán được thủ thuật hóa và chỉ ghi 1 triệu.
Xét từ góc độ lợi ích
Để hợp thức hóa chứng từ cho những giao dịch có giá trị trên 20 triệu đồng, bắt buộc phải thông qua ngân hàng, quy trình thanh toán mua bán hóa đơn diễn ra như sau:
Quy trình này tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi:
– Bên bán không hợp tác: yêu cầu thêm tiền từ bên mua ngoài số tiền chiết khấu đã thỏa thuận; cố tình kéo dài thời gian trả tiền chênh lệch. Bên mua đã chuyển tiền; rơi vào thế bị động chỉ biết chờ đợi hoặc chi thêm tiền để được hoàn tiền sớm hơn.
– Giao dịch chuyển khoản rồi ghi nhận lượng tiền mặt tương tự trong tài khoản tại hai thời điểm gần nhau sẽ là đối tượng “đáng ngờ” đối với cơ quan thuế; và có thể doanh nghiệp sẽ phải giải trình đối với giao dịch này. Nếu không giải trình thỏa đáng, doanh nghiệp có thể phải chịu xử phạt vi phạm hành chính hay trách nhiệm hình sự.
Doanh nghiệp bán hóa đơn ma thường tồn tại trong khoảng thời gian rất ngắn, thường là dưới 1 năm. Trường hợp doanh nghiệp mua hóa đơn ma hàng hóa, dịch vụ trước khi doanh nghiệp đó bỏ trốn; đã kê khai nộp thuế thì có thể đưa các hóa đơn chứng từ chứng minh là có tồn tại giao dịch thật. Tuy nhiên khả năng cao là cơ quan thuế sẽ không chấp nhận, doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào cho khoản chi phí này.
Hậu quả
Dù sử dụng hóa đơn chứng từ không hợp pháp hay sử dụng không hợp pháp hóa đơn chứng từ đều được xem là vi phạm điều cấm của pháp luật. Nếu bị phát hiện, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính, trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy tố theo quy định của Bộ luật hình sự. Cụ thể:
Xử lý Hành chính
Doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi sau:
– Xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn theo Điểm đ Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 125/2020
đ) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.
– Xử phạt hành vi trốn thuế theo Điểm d Khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020
Phạt tiền 1 – 3 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế khi thực hiện, tùy vào mức độ, quy mô vi phạm, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng đối với hành vi sau:
d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
– Việc xử phạt còn tùy thuộc vào tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực thuế, hóa đơn như sau (Điều 6 NĐ 125/2020)
1. Tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Vi phạm hành chính với số tiền thuế (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn) từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 500.000.000 đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
– Ngoài mức xử phạt trên, doanh nghiệp sẽ đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
a) Buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
b) Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có).
Xử lý Hình sự
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn
Cá nhân
Người phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân
Tùy vào số tiền trốn thuế, có thể bị phạt tiền lên đến 10.000.000.000 đồng; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Cá nhân
Có thể bị phạt tiền lên đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Pháp nhân
Có thể bị phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu doanh nghiệp đó được lập ra chỉ nhằm mục đích mua bán hóa đơn.
Kết luận về mua bán hóa đơn
Về cơ bản, chi phí được xem là hợp lý, hợp pháp, được khấu trừ khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp nếu khoản chi phí đó có đầy đủ hồ sơ, có mối liên hệ với hoạt động kinh doanh, doanh thu phát sinh.
Có rất nhiều biện pháp “hợp pháp” để ghi nhận đầy đủ chi phí, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của doanh nghiệp thậm chí là tối ưu thuế phải nộp mà không cần dùng đến hạ sách “mua hóa đơn”.
Chẳng hạn như: chi phí phát sinh mua thanh lý từ hộ gia đình; mua của người dân sản xuất trực tiếp không kinh doanh; thuê tài sản,… không nhất thiết phải có “hóa đơn đỏ” theo quy định của pháp luật.
Rủi ro từ việc mua bán hóa đơn là rất lớn, Thongtinluat hy vọng các doanh nghiệp cần cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện các hành vi này.