Thứ nhất, để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động cần biết về nghĩa vụ của công ty khi tiến hành chính sách cắt giảm lương.
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác là một trong những nội dung bắt buộc được thể hiện trong hợp đồng lao động theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 21 BLLĐ 2019.
- Việc sửa đổi các nội dung của hợp đồng lao động, tức cắt giảm lương, thưởng, phụ cấp bao nhiêu, trong thời gian bao lâu phải được công ty thông báo trước ít nhất 03 ngày cho NLĐ theo khoản 1 điều 33 BLLĐ 2019.
- Nếu NLĐ đồng ý, hai bên sẽ tiến hành sửa đổi bằng việc ký phụ lục hợp đồng.Nếu NLĐ không đồng ý, thì công ty bắt buộc phải tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết (khoản 2,3 điều 33 BLLĐ 2019).
Như vậy, NLĐ hoàn toàn có quyền phản đối chính sách cắt giảm lương của công ty nếu cảm thấy việc đó xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của mình.
Thứ hai, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
Theo khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019, Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019 quy định như sau:
Theo quy định trên, NLĐ có thể đơn phương chấm dứt mà không cần báo trước nếu công ty không trả đủ lương. Tuy nhiên cần lưu ý, việc chấm dứt HĐLĐ chỉ được thực hiện khi có bằng chứng công ty không trả đủ lương cho bạn, tức kì lương gần nhất sau khi công ty thực hiện chính sách cắt giảm lương, bạn không được nhận đủ lương theo HĐLĐ. Nếu ngay tại thời điểm công ty thông báo chính sách, bạn đã nghỉ việc không báo trước thì công ty có thể kiện bạn “đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật”.
Ngoài ra, việc nghỉ ngay khi nhận được mức lương không đúng theo HĐLĐ cũng rất rủi ro. Khi xảy ra tranh chấp, công ty có thể lấy lý do trường hợp bất khả kháng nên mới chậm trả lương cho bạn, công ty chỉ là “chưa trả” chứ không phải cố tình “không trả” đủ lương để đưa bạn vào tình huống “đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật”. Để an toàn và nhân văn nhất, bạn nên thông báo cho công ty về việc chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định (từ 03 đến 45 ngày tùy loại hợp đồng) ngay tại thời điểm không đồng ý với chính sách cắt giảm lương hoặc thỏa thuận với công ty về ngày nghỉ việc để chấm dứt HĐLĐ đúng theo luật Lao động.