1. Doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc (Khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019)

Tiền lương của người lao động trong trường hợp này do hai bên thỏa thuận, tuy nhiên phải đáp ứng điều kiện sau:

  • Ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: tiền lương ngừng việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
  • Ngừng việc 14 ngày làm việc trở lên: tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu, tiền lương từ ngày 14 trở đi do hai bên thỏa thuận.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể làm hồ sơ để người lao động được nhận hỗ trợ từ chính phủ theo điều 17 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nếu đáp ứng 2 điều kiện sau:

  • Thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

(tức nơi làm việc và/hoặc nơi cư trú của người lao động nằm trong khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm cả “giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ” hoặc nằm trong “vùng cách ly y tế phòng chống dịch Covid 19”)

  • Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng người lao động ngừng việc.
  • Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/ người.

2. Thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động (điểm h Khoản 1 Điều 30 BLLĐ 2019)

Doanh nghiệp không phải chi trả lương và các phúc lợi khác (bảo hiểm, tiền thưởng ..) trong thời gian này, tuy nhiên doanh nghiệp cần lưu ý gia hạn thời hạn của HĐLĐ tương ứng với khoảng thời gian tạm hoãn.

Ví dụ: Ông A ký HĐLĐ xác định thời hạn với doanh nghiệp từ ngày 01/06/2021 – 01/06/2022. Doanh nghiệp và ông A thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ 1 tháng:  1/8/2021 – 31/8/2021. Như vậy, HĐLĐ của ông A sẽ được gia hạn thêm 1 tháng, tức hết hạn vào ngày 01/07/2022.

Lưu ý: Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để phòng chống dịch, doanh nghiệp cần làm hồ sơ cho người lao động hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ tại Điều 13 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg nếu đáp ứng 2 điều kiện sau:

  • Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021.
  • Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Số tiền hỗ trợ:

  • 1.855.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày).
  • 3.710.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.

3.Thỏa thuận nghỉ không hưởng lương (Khoản 3 Điều 115 BLLĐ 2019)

Doanh nghiệp không phải chi trả lương và không tham gia bảo hiểm cho người lao động trong thời gian này. Các chế độ khác như thưởng lễ, KPI, quý…. tùy vào chính sách, quy chế nội bộ của doanh nghiệp hoặc thỏa ước lao động.

Doanh nghiệp lưu ý làm hồ sơ cho người lao động nhận hỗ trợ như mục 2.

4.Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (Khoản 3 Điều 34 BLLĐ 2019)

Hai bên thanh toán mọi quyền lợi và nghĩa vụ tính tới ngày chấm dứt hợp đồng. Doanh nghiệp có thể hỗ trợ thêm một vài tháng lương như một khoản bù đắp cho người lao động trong trường hợp chấm dứt ngay HĐLĐ.

Lưu ý: Người lao động có thể tự làm hồ sơ để được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ tại Điều 21 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg nếu đáp ứng 2 điều kiện sau

  • Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

  • Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người.

5.Doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động (điểm c Khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019)

Nếu muốn đơn phương chấm dứt với người lao động vì lý do “dịch bệnh nguy hiểm”, người sử dụng lao động cần chứng minh được mình đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp quy mô, giảm chỗ làm việc, từ đó cắt giảm nhân sự. Đặc biệt, phải thông báo cho người lao động từ 03 đến 45 ngày (tùy loại hợp đồng lao động) trước khi thực hiện việc chấm dứt.

Ngoài ra, người lao động có thể tự làm hồ sơ để nhận hỗ trợ tương tự mục 4. Doanh nghiệp cần phổ biến cho người lao động về chính sách này để họ có thể duy trì cuộc sống cho đến khi tìm được công việc mới.